Cảng Sài Gòn, chỉ có một!

Thứ Bảy, tháng 11 28, 2009

Cũng lại là một ngẫu nhiên

1. Sau chức vô địch V-league 2002, Cảng rớt hạng ngay mùa bóng 2003. Lập kỉ lục là đội đương kim vô địch mà rớt hạng. Năm đó Cảng 27 tuổi, độ tuổi thanh xuân đầy sức sống. Ngày ấy, khán đài B thấm bao nước mắt, chứa bao nỗi buồn. Nhưng người Sài Gòn chấp nhận vì việc này đã được tiên liệu ngày khi cuộc chơi vừa mở màn. Làm sao mà có thể đá khi mất gần nửa đội hình chính: Thủ môn Livingstone thì qua Ngân hàng Đông Á đếm tiền, hai ông thần đèn Nguyễn Anh Dũng và Lê Ngọc Thảo thì tướng tá tốt, bay nhảy cũng đẹp nhưng toàn vồ hụt banh; Lương Trung Tuấn thì theo bầu Đức lên Gia Lai làm lâm tặc, Minh Phương bán gạch cho bầu Thắng ở Long An; Lê Minh Nhuận và Nguyễn Văn Tuấn thì sinh hoạt ở Trung tâm chấn thương chỉnh hình nhiều hơn ở đội. Báo hại mấy ông già như Xuân Thủy, Hoàng Bửu, Hồng Sơn, Văn Lợi, Quang Huy phải xỏ giày trở lại vì A Vĩ, Phương Hải nuôi hoài mà không chịu lớn. Madam Thái và lão thần Tam Lang thì xụi lơ, chỉ một mình Đặng phó tướng gân cổ chửi .. vu vơ: "Không tiền thì đành chịu thôi!"
Ngày cảng rớt hạng, không chỉ Sài Gòn mà cả miền Nam đều buồn bã! Bằng chứng là trận chia tay Tam Lang sau đó lại rất đông bà con tứ xứ kéo về. Nhưng dân Nam bộ buồn thì buồn vậy thôi, chứ cũng chẳng ai la làng trên mấy cái loa làm gì! Thương thì để trong bụng.
Cảng rớt hạng thì điều gì cũng có thể xảy ra được! Hai năm sau, kỉ niệm 50 năm thành lập một tượng đài bóng đá quốc gia, đứa con yêu này rớt hạng. Lập tức, mấy cái loa la um sùm!

2. Năm 2008 rồi 2009, cái tên Cảng Sài Gòn biến mất vĩnh viễn trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Người hâm mộ Sài Gòn chua chát cho một huyền thoại. Họ đau đớn cũng phải. Đứa con gái rượu 27 tuổi vẫn còn đăng khoa lần nữa, 28 tuổi gã cho thằng chồng giàu có- nhưng thằng này chỉ biết ăn chứ không biết làm - 33 tuổi bị chồng bỏ và 34 tuổi thì qua đời.
Cũng năm này thì có một thằng quí tử chết. Thế là thiên hạ lại bù lu bù loa. Ô hô! Ai tai! Đau đớn quá!

3. Đứa con gái dẫu chẳng kém giỏi giang nhưng bị nhà chồng ruồng rẫy đến tự tận.
Thằng con trai kia cũng buồn mà chết theo. Sao ngẫu nhiên vậy?
Giở lại "án tại hồ sơ" V-league ngày11.6.2003 của LĐBĐVN: "CLB Thể Công bị phạt 50 triệu đồng và trừ ba điểm. Lý do: thi đấu yếu kém, thiếu tích cực, gây sự bất bình, phản ứng quyết liệt của đông đảo khán giả trong trận thua Cảng Sài Gòn 0-1 ở vòng đấu 20."

4. Duyên trời. Hai tượng đài bóng đá Bắc - Nam có nhiều điểm tương đồng quá!
- Thể Công con nhà lính, nơi đâu cũng có lính.
Cảng Sài Gòn công nhân, nơi nào mà không nhân.
- Thể Công --> CLB Quân Đội --> Thể Công Viettel = rốt hạng 2005 ==> giải tán 2009.
Cảng Sài Gòn --> rớt hạng 2003 --> TMN-Cảng Sài Gòn --> CLB TPHCM ==> 2009: xóa tên + rớt hạng lần nữa.

Thứ Ba, tháng 11 17, 2009

Ngẫu nhiên hay định mệnh

Sau ngày thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người xứ Nghệ nhưng được Quốc hội chọn đặt tên cho đất Sài Gòn. Có lẽ Nghệ An và Sài Gòn có duyên với nhau. Vinh và Tp HCM là hai thành phố kết nghĩa. Đại học Sài Gòn thì chỉ liên kết đào tạo với đại học Vinh, không ít giảng viên SGU có xuất thân từ VU. Đó là chuyện xã hội, giáo dục. Còn đây là chuyện bóng đá.
Năm 2003, Ngân hàng Đông Á, sau khi thoát thai từ CATPHCM, được thăng V-league dưới sự dẫn dắt của những người hùng xứ Nghệ như HLV Nguyễn Thành Vinh, thủ môn Nguyễn Thế Anh ... Lúc đó, dân khán đài B gọi NHĐA là Nghệ An 2 ( và gọi Bình Dương là NHĐA 2).
Cũng năm này thì bà con khán đài B thấy một cầu thủ xứ Nghệ về đá dự bị cho CSG và phát hiện ra GĐ Lê Quang Nhật là người Nghệ An.
Chuyện xưa qua đi được 5 năm thì người Sài Gòn lại thấy trên sân Thống Nhất chiều thứ bảy lại có một đội đá Sino cup. Những chiếc áo đỏ làm gợi nhớ Hải Quan, Sở Công nghiệp, Lương thực thực phẩm ...một thời lừng lẫy. Chỉ có phong cách thì còn thiếu một chút gì đó. Á! Thì ra đây là SaiGon United mà báo chí hay gọi là con nuôi của HFF đây mà! Tội nghiệp anh em Sĩ Hùng, tội nghiệp ông bầu Hải An chấp nhận tha hương mà đất lành lại không nhận.
Chuyện VST biến thành SU tưởng đâu đã kết thúc mối liên hệ bóng đá Sài - Vinh, thì đùng một cái một anh Nam Việt Sài Gòn lại nhảy ra mua đứt chàng Ngự lâm QK4. Lại chảy máu tài năng xứ Nghệ nữa rồi. Thú thật, trước vụ giao dịch này, có lẽ Navibank không có chỗ trong bộ nhớ của mỗi người. Trong bộ nhớ của khán đài B lại càng không!
Những câu chuyên ngẫu nhiên đã trở thành định mệnh, vậy thôi. Muốn trở lại V-league, TPHCM phải là một đất lành như truyền thống 300 của xứ này!
Sài Gòn, đất lành chim đậu.

Thứ Bảy, tháng 11 14, 2009

Giỗ đầu "lưỡng thủ vạn năng" Phạm Văn Rạng

THỦ MÔN PHẠM VĂN RẠNG (1934 – 2008)


http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_V%C4%83n_R%E1%BA%A1ng

Giỗ đầu danh thủ Phạm Văn Rạng: Chữ tình trên sân cỏ
Trần Tú
(PL13-11-2009 23:46:17 GMT +7)- Cả đời gắn với quả bóng và cho đến lúc về cõi vĩnh hằng, danh thủ Phạm Văn Rạng vẫn sống mãi trong lòng bạn bè, đồng đội.
Từ một ý tưởng của cựu tuyển thủ Võ Thành Sơn (Việt kiều Mỹ), những đồng đội cũ Sở Công nghiệp tán thành tổ chức giải bóng đá kỷ niệm một năm ngày mất của “lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng.
Ý tưởng đẹp của trung phong xuất sắc nhất một thời của bóng đá Việt Nam đã quy tụ hầu hết các cựu cầu thủ tham gia thi đấu. Trong đó, không thiếu những tên tuổi vang bóng một thời như Tư Lê, Lưu Kim Hoàng, Cao Nho Giáo, Liêu Bửu Châu, Nguyễn Kim Hằng, Lạc Phước Hải, Phan Trọng Linh, Nguyễn Văn Thành (Thành “gù”), Nguyễn Hoàng Minh (Minh Nhí), Lưu Tấn Liêm, Phan Văn Tần...
Với số đội tham dự nhiều hơn dự kiến, ban tổ chức phải chia thành hai bảng A và B, mỗi bảng năm đội thi đấu vòng tròn một lượt để chọn ra hai đội vào bán kết. Bảng A gồm các đội Sở Công nghiệp, Ngọc Long, Quận 1, Long An, Quận 5. Bảng B gồm Bình Tân, Quận 10, Tài Thành, Quận 6 và Quận 8.
Lễ khai mạc giải sẽ diễn ra vào 8 giờ sáng nay (14-11) tại SVĐ Quận 8 và kết thúc vào ngày 26-11, đúng một năm ngày mất của người anh em có biệt danh “lưỡng thủ vạn năng”.
Giải đấu giao hữu của những đôi chân có tuổi đời từ 50 trở lên để tưởng nhớ một đồng đội đã khuất chắc chắn sẽ đọng lại nhiều kỷ niệm đẹp. Giới hâm mộ có thể sẽ không còn bắt gặp tuyệt chiêu ngã bàn đèn của Võ Thành Sơn, hay những động tác xử lý bóng điêu luyện, hoặc những pha phối hợp mạch lạc của các cựu danh thủ. Thế nhưng sân cỏ vẫn ngời sáng chữ tình từ nghĩa cử cao đẹp của những lão tướng luôn tưởng nhớ về một người bạn tài danh.

6.
Tin thể thao, tuoitre.com.vn - 08-10-2009 04:01 - Chiều 7-10 trên sân Thống Nhất đã diễn ra giải bóng đá tam giác giữa CLB cựu tuyển thủ TP.HCM, cựu tuyển thủ Campuchia và cựu cầu thủ Bangkok (Thái Lan) nhân kỷ niệm một năm ngày mất của thủ môn “lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng.

Ông Tam Lang tặng hoa và quà cho cựu danh thủ Hà Tam - đồng đội của ông Rạng ở SEAP Games 1959 - Ảnh: S.H.
Nói về người đồng đội của mình, ông Nguyễn Thành Sự (77 tuổi, vô địch SEAP Games 1959, nguyên HLV trưởng đầu tiên của đội Cảng Sài Gòn sau năm 1975) hồi tưởng: “50 năm về trước cũng vào tháng 10 này, tôi là cầu thủ duy nhất ở ĐBSCL được gọi vào đội dự tuyển miền Nam chuẩn bị cho SEAP Games đầu tiên ở Thái Lan. Sợ tôi mặc cảm là dân tỉnh lẻ, anh Rạng gọi tôi vào ở chung phòng và luôn động viên, nhắc nhở tôi chuyên cần tập luyện. Nhờ sự động viên, bảo bọc chí tình ấy mà tôi có được vinh dự là một trong 17 cầu thủ đoạt chiếc HCV SEAP Games đầu tiên...”.
Không chỉ các đồng đội trong nước, cựu tiền đạo của đội tuyển Campuchia và tuyển Tây Ninh - ông Tac Sin (62 tuổi) - đã khóc nức nở khi nghe nhắc đến cái tên Sáu Rạng.
Sau khi bình tâm, ông Tac Sin kể: ”Tôi nhỏ hơn ông Sáu gần 20 tuổi nên không có nhiều dịp được thử tài bắt bóng của ông Sáu. Nhưng cứ mỗi lần tuyển Campuchia (trước 1975) sang Sài Gòn thi đấu, tôi và ông như đôi bạn tri kỷ. Chiến tranh biên giới Tây Nam 1977, tôi chạy sang sống và đá bóng ở Tây Ninh nên có nhiều dịp gặp, hàn huyên với ông. Ngày ông mất, tôi rất ân hận vì hay tin muộn nên không thể thắp cho đàn anh của mình nén nhang tiễn biệt. Hay tin có giải đấu này, tôi lật đật ghi tên tham dự để được trở lại Sài Gòn thắp nhang trước phần mộ của anh”.
Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang tâm sự: “Tổ chức những sân chơi như thế này, chúng tôi mong muốn thế hệ đi sau luôn ghi nhớ lớp đàn anh và đóng góp của họ cho bóng đá nước nhà. Những cuộc chơi như vậy còn là sự ghi nhận những đóng góp thầm lặng của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, anh em cầu thủ nhiều thế hệ đang ở trong và ngoài nước... trong việc giúp đỡ các đồng nghiệp đàn anh giảm bớt khó khăn ở tuổi về chiều.
Ngày xưa khi còn đương thời có của ăn của để, anh Rạng cũng từng giúp đỡ biết bao đồng đội. Nghĩa cử cao đẹp ấy luôn đi vào tâm khảm của nhiều người. Vì vậy, việc làm hôm nay của CLB cựu tuyển thủ TP.HCM chỉ là việc “giữ lửa” và mong rằng sẽ được thế hệ cầu thủ trẻ chung tay “truyền lửa” trong tương lai để mãi nêu cao tinh thần tương thân tương ái, vốn là truyền thống đáng quý của bóng đá Sài thành”.
S.H.

_ x * x _

5. Giải “tam hùng” tưởng nhớ ngày mất cựu danh thủ Phạm Văn Rạng
Vnexpress, Thứ ba, 6/10/2009, 20:20 GMT+7,
3 đội bóng gồm cựu tuyển thủ TP HCM, Bangkok (Thái Lan) và Campuchia sẽ cùng nhau tranh tài nhân dịp kỷ niệm một năm ngày mất của thủ môn huyền thoại Phạm Văn Rạng.
Ông Phạm Văn Rạng, sinh ngày 8/1/1934 tại Mỹ Tho (Tiền Giang), là thủ môn hay bậc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Thời còn thi đấu, cái tên Phạm Văn Rạng đã lan rộng ra khắp châu Á. Báo chí nước ngoài từng ca ngợi và tôn vinh ông là "Đệ nhất thủ môn Á châu" cùng với biệt danh "Lưỡng thủ vạn năng".
Ngày 7/10/2008, sau cơn đột quỵ, thần tượng thủ môn của bóng đá Sài Gòn, người từng giành HC vàng SEAP Games 1959 tại Thái Lan cùng đội tuyển miền Nam Việt Nam - đã ra đi, ở tuổi 74.
Giải bóng đá "tam hùng" bắt đầu lúc 14h30 ngày mất của thủ môn Phạm Văn Rạng (7/10), trên sân Thống Nhất (TP HCM). Người hâm mộ vào cửa tự do.
An Nhơn

_ x * x _

4. Tưởng niệm Thủ Môn Phạm Văn Rạng
FRIDAY, NOVEMBER 21, 2008
Nhiều khi đọc một lời chia buồn trên báo cũng đem đến một nguồn vui nhẹ nhàng như khi chợt nghe một bài hát xưa hay thoáng nhìn thấy một tựa sách cũ. Cuốn tiểu thuyết vừa “Dòng sông định mệnh” của Doãn Quốc Sỹ hẳn phải làm cho bao nhiêu cựu học sinh trường Trần Lục ở Tân Định vừa nhớ lại ông thầy cũ vừa nhớ những ngày phát thưởng cuối năm có thầy Vũ Ngô Xáng hiệu trưởng, có Tổng Kiên… Phố Buồn của Phạm Duy là những nét phác họa về cuộc sống mong đợi một ngày mai của dân nghèo thành thị sống trong những ngõ hẻm chen chúc của Saigon những năm 50. Và mới đây, lời phân ưu gởi đến Phạm Văn Rạng, với hàng loạt tên những người bạn đồng thời, tên nào cũng nhắc nhớ một thời.
Rạng mất đi ở tuổi 74, anh đã khá thọ với một đời sống chật vật, những thương tích thời trai trẻ khi trấn giữ khung thành, những vất vả trong việc mưu sinh sau năm 1975, cho đến khi anh đã hết tuổi lao động. Nhưng khi anh nhắm mắt xuôi tay, anh có thể mãn nguyện về cuộc đời của mình. Trong những năm 50 và 60, đã có mấy ai đi sâu vòng lòng người dân Saigon, nếu không phải người dân miền nam như anh. Những tước hiệu của người này hay người nọ, tổng thống, quốc trưởng, bộ trưởng, dân biểu, nghị sĩ, tổng giám đốc, tổng thơ ký… đều ít nhiếu tạm bợ, có lúc giả tạo – không nói gì đến những chức tước tự phong hay nhờ người ta phong cho mình. Nhưng chức tước của Rạng là của quần chúng, vì anh là con người của quần chúng, cho nên mãi mãi chức tước đích thực đó sẽ đi trước tên anh và sẽ không bao giờ rời tên của anh.
Lưỡng thủ vạn năng Phạm Văn Rạng. Á châu chi bảo Phạm Văn Rạng. Lưỡng thủ vạn năng là tước hiệu người sành điệu ở sân Vườn Bờ Rô đặt cho anh. Và có lẽ cũng từ trên sân này, sau người ta gọi là Vườn Ông Thượng hay rồi sau nữa Vườn Tao Đàn…mà cầu vương Lý Huệ Đường cũng tặng cho anh tước hiệu Á châu chi bảo. Người anh không cao đặc biệt, không cao như thủ môn Quí của đội Cảnh sát Đô thành thời đó, nhưng tướng chắc chắn. Thế nhưng khi anh đã tung người lên, khi anh đã bay để khi thì đấm bóng khi thì bắt bọn, khán giả có cảm tưởng như anh rất nhẹ đến độ có thể bay như cánh bướm. Làng bóng Saigon trong những năm 50-60 có rất nhiều thủ môn giỏi, như Trần Văn Đực 2 của đội Tổng Tham Mưu về sau này, Phan Ngọc Lang của Quân khu Thủ đô, Lâm Kinh của AJS (Thanh niên Thể thao) hay Nguyễn Văn Quí của Cảnh Sát. Nhưng Rạng vẫn nổi bật ở chỗ bắt đẹp, mà người sành điệu gọi là bay bướm.

Cũng như nhiều danh tài Saigon thời đó thường ở trong lò Ngôi sao Gia Định hay Cercle Sportif Saigonnais (CSS), Rạng đến với Tổng Tham Mưu từ Etoiles de Gia Dinh khi đội bóng nhà binh được thành lập với sự ra đời của Đệ nhất Cộng hòa. Vào giữa những năm 50, giải vô địch hạng nhất của Saigon có 12 đội, nổi tiếng nhất là những đội kỳ cựu như Thanh niên Thể thao (AJS), Cảnh sát, CSS, Ngôi sao Gia Định, Thương Khẩu… Sau đó, nhờ Quân đội Việt Nam Cộng Hòa được chính thức thành lập mới ra đời những đội Tổng Tham Mưu, Quân Khu, Quân Cụ… Rồi sau đó nữa mới đến Không Quân, Hải Quân. Vô địch Saigon là AJS. Nhưng chẳng bao lâu sau, AJS, với những cầu thủ nổi tiêng như Nhung (Pierre), Quới, Hiếu, Hồ (Myo), Đỗ Quang Thách, Mỹ, Don (Kane)… đã bị Tổng Tham Mưu của Rạng qua mặt. Lý do là đá lọt lưới Rạng rất khó. Lý do thứ hai là TTM chơi không đẹp như AJS, nhưng đá rắn hơn (nhà binh không sợ bị phạt), nhanh hơn, tốc độ hơn. Ngoài Rạng, người ta còn nhớ Lê Văn Tỷ, Nguyễn Văn Đực, Phạm Văn Sáng hậu vệ chơi rất cứng - đặc biệt có tài thêu vẽ là Tỷ mang áo số 2. Với Tổng Tham Mưu, cũng không thể nhắc đến Nguyễn Ngọc Thanh tiếp ứng phải số 4 – cũng như sau này không thể không nhớ đến Phạm Huỳnh Tam Lang người chồng đầu tiên của nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết. Thanh đáng là một mẫu mực của tiền vệ tấn công trong bóng đá hiện đại. Trên hàng tiền đạo Tổng Tham Mưu có Phát, Hùng 1, Há (Hà Tam), Mành (Tống Văn Tường), và Hùng 2. Sau này Tổng Tham Mưu ngày càng mạnh, dù lúc đó chưa có Cách mạng 1-11, nhà binh chưa nắm quyền, Nguyễn Khánh chưa nổi tiếng với câu “Quân Đội là cha”. Cặp tiền nội Đỗ Thới Vinh và Lý Văn Rỏn bắt từ Quân Cụ và Quân Khu về khiến cho TTM trở thành vô địch thực sự, nhất là bên cánh trái còn có Trinh Ngưu, tức Ngầu.

Vườn Ông Thượng, nhìn qua Dinh Độc Lập, thời đó đẹp với những bóng cây đổ mát Huyền Trân Công Chúa, những khán đài xi măng được những tàng cây lớn phủ, thu hút người ta vì những trận cầu quốc tế nẩy lửa, không như con đường xưa nằm trên lối vào sân ngày nay ngày đêm chỉ tấp nập ở những gốc cây chặp tối. Trên sân đó một thời đã có những đội bóng như Wiener từ Áo, Djurgarden từ Thụy Điển, Nam Hoa, Ô-tô-buýt, Đông Phuơng, Kiệt Trí từ Hong Kong, và những đội như Nimes, Racing Club từ Pháp… Tổng Tham Mưu đã có dịp so giày với những đội bóng này, và trong thế hạ phong, TTM đã bị các đội khách vây hãm không lên banh được. Nhưng Rạng đã làm cho nhiều chân sút nản chí. Những Diêu Trác Nhiên (Hongkong chi bảo), Mạc Chấn Hoa, Trấn Chí Cường đều lắc đầu. Có một trận đá với vô địch Hương Cảng Nam Hoa, Phạm Văn Rạng đầu bị quấn băng vì đụng phải cột thành vẫn bắt cho đến phút 80 (Hồi đó một hiệp chỉ có 40 phút).Trận này Tổng Tham Mưu thắng 2-1 - một phần cũng nhờ trọng tài Ticarro.

Sau này Rạng qua Quan Thuế, nhường chỗ cho Đực II, bắt rất chắc nhưng không đẹp bằng. Nhiều thế hệ thủ thành mới từ đó xuất hiện, nhiều tên tuổi nổi tiếng, như Lâm Hồng Châu, Hồ Thanh Chinh, nhưng nói đến lưỡng thủ vạn năng, người được nhắc đến đầu tiên là Phạm Văn Rạng, một con người hòa nhã, trầm tĩnh, ít nói trên sân và hiền lành ngoài đời.

Đọc tên của những người góp lời chia buồn, người ta có thể biết được ai còn, và linh cảm được ai đã mất. Những thế hệ đàn em của Rạng như vẫn còn đủ. Ba anh em Khánh Hùng, Khánh Hiệp, Khánh Hưng. Hai anh em Cù Sinh, Cù Hè. Các tiền đạo trứ danh như Võ Thành Sơn, Quang Kim Phụng, Quang Đức Vĩnh, Tiền đạo nhanh như cắt Nguyễn Văn Ngôn hay hậu vệ Lai Văn Ngôn. Có cả tiền vệ Lý Chí Vân, người từng bắt chước Nễ Hành ở sân cỏ Hải Phòng để tỏ thái độ “bất khuất” của người trong nam. Có cả tên Myo của đội AJS 55 năm về trước. Thế còn đâu những người không có tên ở đây. Mươi mười lăm năm trước, người ta còn thấy một vài danh cầu trước đây đang vác hàng cho các công ty vận tải trong Chợ Lớn. Có người làm thợ hồ. Ít người được may mắn như Tam Lang. Đỗ Thới Vinh, cầu thủ số 8 in dấu rất sâu trong con tim người hâm mộ, chết thầm lặng ở Gò Vấp. Và bóng đá ngày nay, chỉ nói bóng đá trong nước, không ít cấu thủ đã có được mấy trăm triệu tiền mua bán, chuyển nhượng.

Mỗi cái tên là một con người gợi nhớ nhiều kỷ niệm và những kỷ niệm không chỉ về con người đó, lối giữ bóng lừa bóng của họ mà còn cả đội bóng của họ, của các sân cỏ họ đã từng bay nhảy trên đó và của một làng bóng là một phần của đời sống hào hứng của xã hội. Những kỷ niệm về ông Huyền Vũ của đài phát thanh Saigon và điệu nhạc tươi vui mở đầu những buổi trực tiếp truyền thanh tại chỗ, về những nhà báo thể thao Thiệu Võ, Hoa Lê, Thạch Lê, Phan Như Mỹ và các tờ báo thể thao của họ Đuốc Thiêng, Thao Trường… Và những kỷ niệm chung vui của dân ghiền xem đá banh của Saigon, những người Saigon mang dòng máu Saigon dù cho có đến từ Quảng Trị trong những năm đó cũng không thể thiếu “tình yêu sân cỏ” trong người.

Hòang Ngọc Nguyên

_ x * x _

3. Nhớ mãi “Lưỡng thủ vạn năng”
http://www.thethaohcm.com.vn/index.php?do=home&act=all&id=11390&des=0
10-11-2008, Minh Thuấn (50 C 9 Tây Thạnh, Q, Tân Phú, TPHCM)

Thủ môn Phạm Văn Rạng trong trận đấu giữa ĐT MNVN và ĐT Đan Mạch năm 1965

Sau thành công vang dội vô địch SEAP Games (Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á), lần 1, 1959 tại Thái Lan và trong thành phần đội Ngôi sao châu Á thắng trận giao hữu với CLB Chelsea (Anh) năm 1966 tại Malaysia, tên tuổi thủ môn Phạm Văn Rạng lẫy lừng với các biệt danh: “Đệ nhất thủ môn châu Á”, “Lưỡng thủ vạn năng”... Vượt thời gian, tài danh của Phạm Văn Rạng vẫn khắc sâu trong ký ức người hâm mộ bóng đá. Thể Thao xin giới thiệu hồi tưởng của một bạn đọc về ông.
Phạm Văn Rạng sinh ngày 8/1/1934 tại Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Thuở nhỏ, ông học ở trường Trung học Mỹ Tho (nay là THPT Nguyễn Đình Chiểu). Năm 1950, ông lên Sài Gòn, học trường tư thục Việt Nam Học Đường, Tân Định. Sau giờ học, ông cùng bạn bè quần thảo bóng bằng chân trần không biết mệt và… trèo rào, xem thần tượng thủ môn Ba Quyến (đội Ngôi Sao Gia Định) trổ tài bắt bóng, vì “nhà nghèo, lấy đâu ra vài xu để mua vé”.

Năm 1951, tại giải bóng đá học sinh các trường tư thục Sài Gòn, trước giờ bóng lăn bất ngờ thủ môn của trường là Thạnh đổ bệnh, thầy dạy thể dục tìm người thay thế, Rạng liền xung phong. Không ngờ, Rạng hoàn thành xuất sắc vị trí thủ môn, góp công lớn cho đội trường mình vô địch giải. Tiếng lành đồn xa, ngay sau giải, bầu Võ Văn Ứng đội Ngôi Sao Bà Chiểu mời Rạng về chơi với nhiều ưu ái và kỳ vọng. Một tài năng bóng đá VN được ươm mầm và phát triển tầm châu lục chính từ sự “đóng thế” ấy. Ông Rạng kể: “Tôi là con thứ tư trong gia đình, nhưng trong đội có cầu thủ Phạm Văn Năm lớn tuổi hơn, nên đồng đội gọi tôi là Sáu Rạng”.
Bắt đầu từ năm 1951, Sáu Rạng đầu quân cho đội Ngôi Sao Bà Chiểu và “treo giày” năm 1967 khi cùng đội Quan Thuế (sau này là Hải Quan) thi đấu với Sélangor (Malaysia) tại cúp C1 châu Á.
Trong 16 năm quần đùi áo số (12 năm khoác áo đội tuyển), nhiều năm liền Sáu Rạng là thủ môn bắt chính của tuyển miền Nam, đối đầu với các đội bóng Peru, Đan Mạch, Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc... Cùng thời với anh có: Lê Văn Tỷ, Nguyễn Văn Cụt, Lê Văn Hồ, Phạm Văn Hiếu, Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Ngọc Thanh, Phạm Huỳnh Tam Lang… đều trôi dạt từ Nam Kỳ lục tỉnh lên Sài Gòn. Trong đó, 3 “sao” là Sáu Rạng, Vinh “hói” (Đỗ Thới Vinh) và Tam Lang.

Năm 1953 Sáu Rạng bị động viên vào lính, trấn giữ khung thành đội Tổng Tham mưu. Năm đó, khi mới 19 tuổi, anh được gọi vào đội tuyển miền Nam Việt Nam.
Năm 1957, thi đấu tại Campuchia, trước đội chủ nhà nổi tiếng “chém đinh, chặt sắt”, nhưng Rạng không hề run sợ, nhiều lần bắt bóng ngay trong chân đối phương. Thời ấy, bằng lối chơi lăn xả, khá bay bướm và cực kỳ hiệu quả, cộng với nét mặt lúc nào cũng rạng rỡ, mới 23 tuổi, Sáu Rạng nghiễm nhiên là thần tượng của lớp trẻ, là mở đầu câu chuyện của giới mộ điệu trái bóng tròn: “Gôn Rạng”, “Rạng chụp”, hay “Bay đẹp như Rạng”… Anh là chỗ dựa cho toàn đội cả về lối chơi lẫn tinh thần.
Năm 1959, tại Bangkok, Sáu Rạng đoạt phần thưởng cao quý nhất trong sự nghiệp bóng đá: HCV SEAP Games lần 1 (tiền thân của SEA Games). Lần ấy, báo chí nước ngoài hết lời ca ngợi tuyển miền Nam, khen Rạng. Nhưng ít ai biết, lần “mang chuông đi đánh xứ người” ấy, từ Sài Gòn, toàn đội phải di chuyển bằng xe đò bụi mù qua Campuchia để sang Thái Lan thi đấu.
Một trong những kỷ niệm mà ông nhớ mãi thời đó là: Năm 1960 tham gia giải tại Nha Trang, "khi tôi vừa bước xuống xe, cầu trường vỗ tay vang dậy: Gôn Rạng! Rạng kìa! Rất nhiều khán giả ùa đến vây quanh tôi, nắm tay, sờ chân và ôm hôn, xem tôi có phải bằng da bằng thịt hay không mà “búng người” bắt bóng dính như nam châm”.
Năm 1966, 32 tuổi, Sáu Rạng được mời làm thủ môn đội tuyển Ngôi Sao châu Á (All Stars Team of Asia), thi đấu tại Malaysia. Lần ấy, đội của ông do “Cầu vương” Lý Huệ Đường (Hong Kong) làm HLV trưởng. Sáu Rạng đã chơi xuất thần, truyền lửa cho toàn đội chơi pressing, buộc CLB Chelsea (Anh) phải “kéo cờ trắng” với tỷ số 1-2, khiến hàng vạn khán giả nức lòng. Sớm hôm sau, đồng loạt các báo đều phong Sáu Rạng là “Đệ nhất thủ môn châu Á”, là “Người hùng” của trận đấu.

Năm 1967, đang chơi cho đội Quan Thuế nhưng ông phải giã từ khung thành đầy nuối tiếc. Bởi trước đó, trên sân bóng đá Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất) ông bị chấn thương gối phải quá nặng, còn di chứng đến ngày nay, nhất là khi trái gió, trở trời.
Danh hiệu “Lưỡng thủ vạn năng” do ai đặt? Ông Rạng nói: “Đó là vào những năm 1955 - 1960, Thiệu Võ, một nhà báo thể thao ở Sài Gòn, lần đầu tiên gọi tôi như thế. Có lẽ xuất phát từ hồi còn đi học và cả sau này tôi đều chơi tốt hai vị trí: trung phong và thủ môn” - Sáu Rạng nhớ lại. Nói về thời kỳ đỉnh cao phong độ, ông nói: “Tôi không thể tưởng tượng nổi là mình lại có phản xạ nhanh và chính xác đến vậy. Kẻ bạo miệng đồn thổi là tôi đã bôi lớp keo lên đôi tay trần trước giờ thi đấu. Họ thật ác khẩu, ngày ấy thủ môn làm gì có găng tay tốt để thi đấu, nói gì đến lớp keo dính. Chỉ được trang bị giày, quần áo với chất liệu thô sơ chứ không tinh xảo và bền như bây giờ”.
Ngoài các yếu tố cần thiết của thủ môn như: sức vóc, bền bỉ, nhanh nhẹn, quyết đoán, kinh nghiệm, Sáu Rạng còn có đức hy sinh, chan hoà, thắng không kiêu, bại không nản. Bởi vậy, ông luôn là thủ lĩnh trên sân. Về thủ môn ĐTVN hiện nay ông nói: “Thủ môn của ta sai lầm nhiều lỗi cơ bản, không khớp ý với hậu vệ, chơi cũng không cống hiến”.
Sau khi “treo giày”, Sáu Rạng làm công chức Quan Thuế vẫn lăn lộn trên nhiều sân cỏ với đội Lão tướng phường 24 (nay là phường 4, quận 5, TPHCM). Sau giải phóng, ông làm HLV trưởng các đội: Quận đội Quận 5, Tổng cục Vật tư, Cao su Bình Long, Cao su Lộc Ninh, trường THPT Lê Hồng Phong, CLB Nguyễn Du, CLB Đa Phước, thậm chí làm cả bảo vệ để mưu sinh.
Những năm tháng cuối đời, ông sống trong căn nhà cấp 4 do các cựu tuyển thủ, các thế hệ bóng đá VN và người hâm mộ quyên góp xây dựng trong sân Thuận Kiều, Q12, TPHCM. Ông có 5 người con đã yên bề gia thất. Ông nhắn nhủ: “Nghề nào cũng cao quý, nếu chọn đá bóng là nghề thì phải tận tâm công hiến. Phụ nghề chẳng khác nào phụ tình, sẽ bị tình phụ, nhất là với các em, các cháu đang chọn nghề đá bóng để tiến thân”.
Vài nét về sự nghiệp
• Thi đấu cho các đội: Ngôi Sao Bà Chiểu, Tổng Tham mưu, Tuyển miền Nam Việt Nam, Tổng cục Vật tư, Đội tuyển Thanh niên, Đội tuyển Ngôi sao châu Á, Quan Thuế.
• Thành tích: HCV SEAP Games 1959, HCĐ SEAP Games 1963 và 1965. Á quân giải châu Á 1958 và 1962. Được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) bầu chọn là thủ môn số 1 châu Á.
• Tham dự: SEAP Games 1959, 1963, 1965. Á vận hội 1958, 1962. Cúp Merdeka (Malaysia) từ 1958 – 1962

_ x * x _

2. Phạm Văn Rạng: Mãi mãi là con chim hải âu lồng lộng trên trời cao…
http://www.thanhnien.com.vn/thethao/Pages/200845/20081109101442.aspx
09/11/2008 10:14
Thủ môn Rạng đấm bóng trong trận đấu với đội Đan Mạch năm 1965 - Ảnh: Tư Liệu
Sáng nay, 9-11, tại nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa sẽ diễn ra một nghi lễ buồn, đó là lễ hỏa táng “Thủ môn số 1 châu Á” Phạm Văn Rạng.
Ông qua đời ở tuổi 74 và khi ông trấn giữ khung thành đội tuyển miền Nam Việt Nam đoạt huy chương vàng SEAP Games 1959, khi đó tôi vẫn chưa ra đời… Nhưng qua những câu chuyện kể về “Lưỡng thủ vạn năng” (biệt danh do cây viết thể thao kỳ cựu nhất miền Nam bấy giờ là Thiệu Võ phong tặng cho ông Rạng) của bố tôi và nhà báo Chánh Trinh (cả hai đã mất), tôi – một thằng bé đam mê bóng đá và sau này là nhà báo thể thao – không khó để hình dung ra rằng, bóng đá Việt Nam ngày xưa có một người đứng giữa hai trụ thành có thể bay lượn như chim với đôi tay nhanh nhẹn, dẻo dai, khéo léo và khỏe mạnh như cánh chim hải âu…
Cuộc đời đầy bất ngờ
Sự nghiệp lẫy lừng của thủ môn Rạng bắt đầu thật bất ngờ. Đam mê quả bóng tròn từ bé, nhưng nhà nghèo không có tiền mua vé, cậu bé Rạng luôn leo rào vào “coi cọp” mỗi khi Ngôi sao Gia Định (NSGĐ), đội bóng hàng đầu của Sài gòn thời bấy giờ, xuống Mỹ Tho thi đấu. Tuy thần tượng của cậu bé Rạng là thủ môn Ba Quyến của đội NSGĐ, nhưng mỗi khi ra sân quần thảo với lũ trẻ, Rạng luôn chơi ở vị trí… “trung phong”!
Đến năm 1951 khi còn là học sinh của trường tư thục Việt Nam học đường, ông vinh dự được khoác áo đội tuyển trường. Tất nhiên ông chơi ở vị trí tiền đạo. Nhưng trước trận chung kết giải vô địch học sinh Sài Gòn, trước đối thủ là trường Huỳnh Khương Ninh, thủ môn Thạnh của đội Việt Nam học đường bỗng nhiên vắng mặt vào giờ chót (sau này được biết cha của Thạnh hoạt động cách mạng và bị Pháp bắt). Thế là người thầy dẫn dắt đội bóng hỏi cả đội ai có thể làm thủ môn? Rạng giơ tay lên xung phong.
Không ngờ đó lại là một bước ngoặt lịch sử. Rạng đã từ bỏ vĩnh viễn vai trò bắn phá khung thành đối phương để trở thành người mãi mãi bảo vệ trước những đợt bắn phá đó. Điều thú vị, Rạng không chỉ góp phần đem lại chức vô địch cho trường tư thục Việt Nam học đường, mà từ vai đóng thế đó Rạng đã lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển trạch và được mời về thi đấu cho đội Ngôi Sao Bà Chiểu.
Hai năm sau, năm 1953, khi 19 tuổi, Rạng được gọi vào đội tuyển Thanh Niên và từ đó cho đến năm 1964, Rạng là thủ môn số 1 của đội tuyển miền Nam Việt Nam.
Những kỷ niệm không bao giờ quên
Thật thú vị khi ông Rạng cho biết kỷ niệm đáng quý nhất trong cuộc đời cầu thủ của ông không phải là chiếc huy chương vàng SEAP Games 1959 mà là trận thắng Do Thái (nay gọi là Israel) ở vòng loại Olympic 1964. Ở trận lượt đi, đội tuyển miền Nam thua 0-1 trên sân nhà Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất). Vậy mà ở trận lượt về, đội lại thắng Israel đến 2-0 ngay trên sân Tel Aviv.
Thế nhưng, khi nói về chiếc huy chương vàng đầu tiên và cũng là duy nhất của bóng đá Việt Nam tại Đông Nam Á, ông Rạng đánh giá đó là lúc bóng đá miền Nam Việt Nam có được đội hình mạnh nhất trong lịch sử của mình. Ông cũng kể về chuyến đi lấy vàng bóng đá cực kỳ gian truân và đầy thú vị. Cả đoàn thể thao miền Nam Việt Nam dự Đông Nam Á vận hội tổ chức ở Bangkok (Thái Lan) trên bốn chiếc ô-tô khách của hãng Thiên Thành, có ghé lại Phnôm Pênh (Campuchia) ngủ một đêm. Để rồi khi đến Bangkok, cả đoàn đều phủ một màu đỏ của bụi đất.
Tuy nhiên, chính đội bóng di chuyển bằng đường bộ đó đã thắng đội chủ nhà Thái Lan 3-1 và đoạt chức vô địch Đông Nam Á vận hội 1959 với thành phần như sau: Phạm Văn Rạng – Lê Văn Tý, Nguyễn Văn Cụt – Phạm Văn Hiếu – Nguyễn Ngọc Thanh, Lê Văn Hồ (tự Myo) – Nguyễn Văn Nhung, Đỗ Thới Vinh, Há, Đỗ Quang Thách, Nguyễn Văn Tư.
Đội đá theo chiến thuật WM thời đó và cũng đội hình này đã thắng đội vô địch Thụy Điển Djugarden 2-1 tại sân Vườn Ông Thượng (nay là sân Tao Đàn). Nên nhớ trước đó chỉ một năm Thụy Điển là nước chủ nhà World Cup 1958 và họ chỉ thua Brazil trong trận chung kết.
Thủ môn số 1 châu Á
Năm 1964, ông Rạng giải nghệ. Nhưng hai năm sau, ông được HLV Lý Huệ Đường (thời còn là cầu thủ có biệt danh là “Cầu vương”) mời tham gia đội tuyển Các Ngôi sao châu Á. Cùng với ông Rạng, còn có Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Ngọc Thanh và Nguyễn Văn Ngôn.
Đội tuyển thi đấu ba trận với hai câu lạc bộ lừng danh của Anh quốc tại Malaysia. Trận đầu tiên, đội thua Tottenham 1-2, trận này thủ môn người Myanmar là Tieng Au Minh giữ khung thành. Trận thứ hai, Rạng ra sân và đội thắng Chelsea 2-1. Trận thứ ba gặp lại Tottenham hòa 1-1 và thủ môn Myanmar giữ một hiệp, Rạng giữ một hiệp.
Sau ba trận đấu này, ông Rạng chính thức được tấn phong danh hiệu: thủ môn số 1 châu Á. Chính HLV phó của đội Các Ngôi sao châu Á khi đó là Peter Velappan, sau này là Tổng thư ký AFC, khi qua Việt Nam làm việc cũng nhắc đến câu chuyện này với sự thán phục dành cho thủ môn Rạng.
Riêng cố nhà báo Chánh Trinh đã từng tận mắt xem ông Rạng thi đấu đã mô tả lối chơi kỳ diệu của thủ môn số 1 châu Á như sau: “Rạng như con báo chuẩn bị vồ mồi khi đấu tay đôi với đối phương. Đối với những pha bóng tưởng vượt qua khỏi tầm tay của Rạng, thì Rạng tung người lên không trung, lượn một vòng cung ngược về phía sau theo đường bay của quả bóng, ngực và bụng gần như ưỡn lên trời, thân và tay như dài ra và trong tích tắc cuối cùng, bóng được đẩy chệch ra khỏi khung thành giữa sự ngẩn ngơ của mọi người. Không ai hiểu từ đâu sự kỳ diệu đã xảy ra.
Kết thúc không có hậu
Năm 1997, khi tôi đá cho đội báo Tuổi Trẻ tranh giải Hội nhà báo TP. HCM, tôi đã gặp ông Rạng ngồi trên khán đài sân Tao Đàn và sau trận đấu tôi đã lên trao đổi cùng ông. Tôi vẫn còn nhớ ông nói rằng ông đang huấn luyện cho một đội bóng nghiệp dư và ông đang huấn luyện đội này ở sân Tao Đàn.
Thật đắng cay cho ông Rạng, “Thánh địa” Vườn Ông Thượng ngày nào tôn vinh ông, nơi có thảm cỏ xanh đẹp nhất Đông Nam Á, nay chỉ còn lại là một sân bóng đầy cát và bụi (vào năm 1997). Và nếu như vào cái thời hoàng kim của ông, sân này chỉ dành cho những đôi chân chuyên nghiệp, thì nay lại in đậm dấu giày của không biết bao nhiêu đôi chân phong trào.
Nhưng cay đắng hơn như chính ông Rạng tâm sự. Ông thành công quá sớm trên sân cỏ, ông được bóng đá cho quá nhiều, nhưng thay vì thành đạt trên nền tảng vinh quang đó, ông đã sai lầm khi chọn cuộc sống xa hoa của một ngôi sao không biết giữ mình. May mà cuối đời ông được các cựu tuyển thủ và người hâm mộ giúp xây dựng một ngôi nhà cấp 4 tại sân bóng Thuận Kiều quận 12, TP. HCM để có chốn nương thân, chấm dứt những năm tháng ở nhà thuê.
Với tôi, dù cho cuộc đời ông Rạng có phong ba ra sao và dù cho tôi chưa một lần được xem ông Rạng bắt bóng như thế nào, nhưng qua những câu chuyện kể, qua những bài báo cũ, qua những tư liệu riêng của nhiều người, ông Rạng vẫn mãi là con chim hải âu lồng lộng trên trời cao dù rằng ông đã bay xa, bay mãi mãi vào lúc 11 giờ 45 ngày 7-11-2008…
Đặng Hoàng, ddhoang@thanhnienthethao.vn
_ x * x _

1. “Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng
Cuộc gặp gỡ của bốn thủ thành nổi tiếng VN: Nguyễn Văn Cường, Trần Minh Quang, Phạm Văn Rạng, Dương Ngọc Hùng (từ trái qua)
TT, thứ Bảy, 05/11/2005, 06:53 (GMT+7) - Một buổi chiều cuối mùa hè năm 1966, hàng ngàn khán giả Malaysia rời sân vận động quốc gia với tâm trạng sướng thỏa thuê khi tận mắt chứng kiến đội tuyển châu Á do “cầu vương” Lý Huệ Đường (Hong Kong) làm HLV trưởng và HLV phó là cựu trung vệ Peter Velappan (Malaysia, đương kim tổng thư ký AFC) dẫn dắt đã quật ngã CLB Chelsea (Anh) 2-1.
Sáng hôm sau, đồng loạt các báo Malaysia và khu vực đã cùng bình luận rằng: người có công lớn nhất cho chiến thắng của đội tuyển châu Á chính là tay thủ môn đến từ Việt Nam có tên Phạm Văn Rạng! Đơn giản bởi nếu là người khác đứng giữa hai khung gỗ, mành lưới của tuyển châu Á đã tan nát với các chân sút Ănglê!
Lưỡng thủ vạn năng!
Thật ra không phải đến thời điểm ấy, cái tên Phạm Văn Rạng mới vang lừng khắp khu vực châu Á. Ông được giới hâm mộ để ý từ bảy năm trước khi góp công không nhỏ mang về cho bóng đá miền Nam VN tấm HCV SEAP Games trên đất Thái Lan. Sau 12 năm trấn giữ khung thành đội tuyển miền Nam VN, ông đã nói lời chia tay vào năm 1964.
Biết vậy nhưng HLV Lý Huệ Đường vẫn điền tên ông vào danh sách đội tuyển châu Á như là một hành động vinh danh cho người cựu tuyển thủ. Sau trận thắng để đời ấy, ông chính thức nói lời chia tay với bóng đá để mưu sinh với nghiệp công chức quan thuế (hải quan ngày nay) ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Hơn nửa thế kỷ trước, hướng lăn của trái bóng tròn trở thành nỗi đam mê mãnh liệt của chú bé Rạng sau giờ học. Ngày ấy, những lần đội Ngôi Sao Gia Định xuống Mỹ Tho thi đấu chẳng khác nào một ngày hội, thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng. Nhà nghèo đào đâu ra mấy xu để có được một tấm vé, thế là bằng mọi giá Rạng leo rào vào “coi cọp” để mục kích thần tượng của mình là thủ môn Ba Quyến (Ngôi Sao Gia Định) trổ tài.
Năm 1951, 17 tuổi, Rạng chuyển về học văn hóa ở Sài Gòn. Tất nhiên sau giờ học là những trận quần thảo không biết mệt với quả bóng trên khắp các sân bóng Sài thành thuở ấy. Rất mê đứng giữa hai trụ thành, nhưng trong màu áo cầu thủ của khối tư thục học đường, Rạng luôn thủ vai… trung phong.
Bữa nọ, thủ môn của đội bị bệnh nặng trước giờ thi đấu tranh chức vô địch giải học sinh Sài Gòn cùng Trường Huỳnh Văn Ngà, Rạng xung phong giữ thành. Người thủ thành bất đắc dĩ này trở thành nhà vô địch và rồi định mệnh cũng trói chặt ông giữa hai trụ thành.
Sau chức vô địch đầu đời ấy, ông chính thức là người giữ thành cho bóng đá miền Nam VN suốt từ năm 1952-1964. Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, ông nói: “Sau lúc giã từ sân cỏ, nhiều lúc hồi tưởng trở lại tôi không thể ngờ được rằng mình lại có những phản xạ nhanh nhẹn như thế. Mười ngón tay của tôi ngắn hơn ngón tay người bình thường, vậy mà không hiểu sao thuở ấy tôi chỉ cần tung đôi bàn tay lên là tóm gọn quả bóng. Riết rồi người ta đồn thổi rằng trước lúc vào sân cỏ, Rạng lén thoa một lớp keo dính trên đôi tay (!?)...”. “Vậy còn danh xưng “lưỡng thủ vạn năng” thì sao, thưa ông?”. “Đâu vào khoảng thập niên 1950-1960, danh xưng ấy xuất hiện trên các tờ báo thể thao ở Sài Gòn. Thiệu Võ là nhà báo thể thao đầu tiên gắn tên tôi với biệt danh ấy. Thú thật đến giờ tôi cũng không hiểu hết về cái danh xưng ấy nữa...”.
12 năm khoác áo đội tuyển là một quãng thời gian rất dài. Đâu là bí quyết để ông có “tuổi thọ” cao như vậy? “Nào có gì ghê gớm. Ngoài tình yêu bóng đá mãnh liệt, tôi chỉ biết tự tập luyện và hồi tưởng lại những bàn thua để khắc phục nhược điểm. Tôi chỉ tâm niệm rằng: đã chọn bóng đá là nghề thì phải hết lòng với nghề. Đơn giản chỉ có vậy mới tiến bộ được. Phụ nghề chẳng khác nào phụ tình, đó là điều tối kỵ và cũng là lời nhắn gửi đến những em cháu đã và đang chọn nghiệp đá bóng để tiến thân…”.
Ấn tượng khó phai
Để chuẩn bị tham dự SEAP Games 1 tại Thái Lan, tuyển miền Nam VN có trận đấu giao hữu cùng tuyển Nhật Bản ngay tại Sài Gòn. Trận đó Rạng giữ trắng lưới nhà, còn đồng nghiệp ở đầu sân bên kia thì có tới ba lần vào lưới nhặt bóng. Trong tiệc chiêu đãi vào tối cùng ngày, đại sứ Nhật tại Sài Gòn ngày ấy đã tặng Tổng cục Túc cầu miền Nam một đôi giày nhỏ và ví von rằng: “Bóng đá Nhật Bản nhỏ bé như đôi giày này và mong rằng sẽ có ngày được sánh vai cùng bóng đá VN...”.
Nhắc lại đôi giày nhỏ ấy, ông Rạng nói: “Hơn 30 năm sau, đôi giày nhỏ ấy biến thành đôi hia vạn dặm. Tôi thật sự kinh ngạc khi ở giải Cúp các liên đoàn mới đây, Nhật Bản cầm chân Brazil với tỉ số 2-2. Ngồi xem hai đội đá mà tôi không thể ngờ được họ tiến bộ vượt bậc như vậy. Xem rồi mới thấy tiếc cho sự thụt lùi của bóng đá nước nhà”.
Sân vận động của các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Thái Lan, Nhật Bản, Hong Kong, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Israel, Lào, Campuchia... từng in đậm dấu giày của các tuyển thủ bóng đá miền Nam VN, trong đó có “lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng, nhưng theo lời ông thì ấn tượng đậm nhất trong đời cầu thủ chính là trận thắng tuyển Israel 2-0 ở lượt về vòng loại Olympic thế giới năm 1963 ngay tại thủ đô Tel Aviv:

Trận lượt đi, Israel thắng 1-0 tại sân Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất), do vậy khi tuyển miền Nam sang đá trận lượt về, khán giả chọc quê bằng cách đưa 10 ngón tay ám chỉ rằng trận này đội khách sẽ thua chục quả! Nhưng chỉ 15 phút đầu của trận lượt về, hai tiền đạo Nguyễn Văn Quang và Nguyễn Văn Ngôn đã ghi được hai bàn thắng bằng cú xỉa mũi giày cận thành và một quả sút phạt trực tiếp từ 40m. 75 phút còn lại, chúng tôi bị họ “tra tấn” dữ dội bằng những đợt công phá liên tục.
Tôi không còn nhớ mình đã bay người cứu nguy bao nhiêu lần. Chỉ biết rằng đôi chân không thể nhấc lên được còn bụng thì vọp bẻ khi ra xe buýt về khách sạn. Hai trung vệ cự phách là Tam Lang và Phan Dương Cẩm (tự Hiển) thì vọp bẻ ngay trên sân vì đuối sức. Tuổi thanh niên mà họ còn chịu không nổi huống hồ chi lúc đó tôi đã ngoài 30. Thật đúng là một trận đấu để đời”.
30 năm và... món tiền lớn nhất
Vài hôm sau trận cầu chia tay “thế hệ vàng” bóng đá VN, người thủ môn già Phạm Văn Rạng được mời tới tòa soạn báo Tuổi Trẻ để nhận sự hỗ trợ của Tôn Hoa Sen và doanh nghiệp võng xếp Duy Lợi. Cầm 6 triệu đồng của các nhà mạnh thường quân, đôi tay ông run run còn gương mặt thì ràn rụa nước mắt vì xúc động. Gạt vội giọt lệ, ông nói với giọng xúc động thật sự: “Mấy cậu có biết và có tin rằng đây là số tiền lớn nhất mà tôi cầm được trong tay từ 30 năm qua không? Tôi có còn đóng góp gì được cho phong trào nữa đâu mà cũng được các mạnh thường quân thương nhớ để tặng quà…”.
Hôm sau, ông trở lại tòa soạn để hồ hởi khoe rằng: “Tôi vừa gửi cho bà xã 2 triệu, sắm được một đầu máy và tivi cũ hết hơn 1 triệu. Còn lại để độ nhật và dành thuốc thang lúc trái gió trở trời. Tuổi già ao ước một chiếc tivi và một đầu máy từ lâu, nay mới toại nguyện”.
Đã quá tuổi thất thập cổ lai hi, con người lừng lẫy một thời nay trở thành một ông lão hom hem với dáng đi liêu xiêu, run rẩy. Hơn 40 năm trước, trong một trận đấu trên sân Cộng Hòa, cú vào bóng cực mạnh của tiền đạo Nguyễn Văn Chiêu (tác giả bàn thắng duy nhất ở trận chung kết với Myanmar, mang về cho bóng đá miền Nam chiếc HCV ở giải Merdeka 1966) khiến đầu gối phải của thủ môn Phạm Văn Rạng (Quan Thuế) bị chấn thương nặng.
Y học thể thao ngày ấy chưa phát triển nên chấn thương ấy để lại di chứng ngày nay với “lưỡng thủ vạn năng” là di chuyển hết sức khó nhọc khi lên xuống cầu thang và gây đau nhức mỗi lúc trở mùa. Nhắc lại nguồn cơn chấn thương ngày ấy, ông chẳng một lời oán trách mà chỉ nhẹ nhàng kể lại những giây phút cuối đời và đám tang của đồng nghiệp Nguyễn Văn Chiêu hơn chục năm trước. Ông nói: “Có gì đâu mà giận hờn. Đó là rủi ro của tôi chứ anh Bảy Chiêu nào cố ý làm thế đâu”.

Bản tính chân chất, chịu thương chịu khó khiến ông Rạng luôn thảnh thơi ở tuổi xế chiều, dẫu rằng chiếc ví của ông luôn xẹp lép. Suốt 30 năm qua, ông rày đây mai đó để mưu sinh trong vai trò HLV các đội phong trào từ cấp phường, trường học, xí nghiệp cho đến tỉnh thành xa xôi. Thậm chí có những lúc từng là bảo vệ về đêm cho doanh nghiệp nước ngoài nhờ ông nói được tiếng Pháp. Từ đầu năm tới nay, ông mới trở lại với nghiệp HLV cho đội bóng phong trào của Công ty bảo hiểm AIA. Thu nhập hằng tháng khoảng 1 triệu đồng cũng tạm đủ để độ nhật qua ngày.
Ông nói: “Năm người con của tôi đều yên bề gia thất. Cả năm đứa đều chẳng mấy khá giả, hơn nữa tôi không muốn trở thành gánh nặng cho con nên luôn rong ruổi đó đây để mưu sinh và ở riêng cho gọn. Các con đều muốn tôi về ở chung, nhưng bản tính thích tự do nên tôi khó dừng chân lâu với chúng nó. Nói mãi mà tôi không chịu, thế là mỗi tháng các con hùn lại để trả tiền thuê nhà cho cha. Vậy cũng ấm lòng lắm rồi”.
SĨ HUYÊN
“Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng: Đệ nhất thủ môn Á châu
(Baobongda.com.vn) - Dù hiện nay chưa có cuộc bầu chọn đội hình tiêu biểu trong lịch sử của bóng đá Việt Nam, nhưng nếu có thì vị trí thủ môn sẽ khó ai có thể cạnh tranh với “Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng. Một vị trí gần như là “bất khả xâm phạm” mà đến nay dù đã từ giã sân cỏ gần 40 năm, tên tuổi của ông vẫn mãi mãi sống trong ký ức những người hâm mộ bóng đá như một huyền thoại.
Cuộc đời thủ môn của “lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng đã bắt đầu một cách bất ngờ, không hề được chuẩn bị, đào tạo. Khi còn là một học sinh theo học trường tư “Việt Nam học đường”, ông Rạng đá trung phong. Nhưng trong một trận đấu gay cấn giữa Việt Nam học đường và trường Huỳnh Khương Ninh vào năm 1949, thủ môn chính thức của Việt Nam học đường là Thành vắng mặt vào giờ chót vì cha của Thành “làm cộng sản” bị Pháp bắt. Thầy dạy thể dục hỏi các cầu thủ xem ai có thể xung phong làm thủ môn và Rạng đã giơ tay. Và từ đó ông vĩnh viễn bỏ vai trung phong - người chuyên bắn phá khung thành - để trở thành người trực diện đối phó với những cuộc bắn phá ấy. Con đường đi đến giữ “gôn” của Phạm Văn Rạng là vậy. Đầy bất ngờ và sự khởi đầu này có lẽ là trận đấu đáng nhớ trong sự nghiệp bóng đá của ông.
Năm 1951 Phạm Văn Rạng được đội Ngôi sao Bà Chiểu của ông bầu Võ Văn Ứng mời về giữ thành, rồi chỉ hai năm sau được chọn làm thủ môn cho đội tuyển Thanh Niên thay cho một tên tuổi huyền thoại khác: Lâm Kinh. Năm 1953 bị động viên vào lính và ông trở thành người trấn giữ khung thành cho đội Tổng Tham mưu. Cùng năm 1953, ông được tuyển vào đội tuyển miền Nam Việt Nam, khi mới 19 tuổi và khoác áo đội tuyển cho đến năm 1964 thì giải nghệ. Năm 1966, dù đã 31 tuổi, ông vẫn được mời vào đội tuyển Ngôi sao châu Á (All Stars Team of Asia), bởi vị trí thủ môn chưa có cầu thủ nào của châu Á có thể cạnh tranh được. Đội Ngôi sao châu Á do cựu danh thủ Lý Huệ Đường làm HLV trưởng, trợ lý HLV là ông Peter Velappan (hiện nay là Tổng Thư ký LĐBĐ châu Á). Tiếng tăm Phạm Văn Rạng đã lan rộng ra khắp châu Á. Báo chí nước ngoài đã tôn vinh ông là “Đệ nhất thủ môn Á châu” cùng với biệt danh “Lưỡng thủ vạn năng”. Sau khi giải ngũ, Phạm Văn Rạng chuyển qua thi đấu cho đội Quan Thuế với vai trò cầu thủ kiêm HLV cho đến ngày đất nước thống nhất.
Sau năm 1975, Phạm Văn Rạng trở thành HLV cho đội Tổng cục Vật tư và đến năm 1978 mới giã từ sân cỏ. Chia tay với trái bóng tròn, người thủ môn đệ nhất châu Á này đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống. Năm 1985, ông quay lại sân cỏ làm HLV đội Cao su Bình Long, sau đó là Cao su Lộc Ninh và hiện nay đảm trách vai trò HLV cho trường dạy bóng đá Đa Phước.
Một huyền thoại sống của bóng đá Việt Nam, được nhắc đến mãi…
Vài nét về ông Phạm Văn Rạng
Sinh ngày 8/1/1934 tại Mỹ Tho
Thi đấu cho đội: Ngôi sao Bà Chiểu, Tổng Tham mưu, Quan Thuế, Tổng cục Vật tư, đội tuyển Thanh Niên, đội tuyển miền Nam Việt Nam, đội tuyển các Ngôi sao châu Á.
Thành tích: HCV SEAP Games 1959, HCĐ SEAP Games 1963 và 1965. Á quân giải châu Á 1958 và 1962.
Tham dự: SEAP Games 1959, 1963, 1965; Á vận hội 1958 và 1962, Cúp Merdeka (Malaysia) từ năm 1958 đến năm 1962. Được AFC đánh giá là thủ môn số 1 châu Á.
• Trần Quốc

Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng: Cánh chim không mỏi
(VFF) - Vào khoảng thập niên 50, nhà báo kỳ cựu Thiệu Võ chuyên viết về thể thao lúc bấy giờ đã tặng biệt danh “lưỡng thủ vạn năng” cho người thủ môn có tài bay lượn giữa khung thành đã làm nản lòng không ít các tiền đạo đối phương khi đối diện với ông. Đó là thủ môn tài ba Phạm Văn Rạng.
Ông sinh ngày 8/1/1934 tại Mỹ Tho, đã từng tham dự SEAP Games 1959 và 1961; Merdeka từ năm 1957 đến 1964 với thành tích: HCV SEAP Games 1959; Hạng ba Merdeka1959, 1960, 1961. Năm 1965, dù đã nghỉ thi đấu, ông vẫn được mời tham gia đội hình “Các Ngôi sao Bóng đá châu Á” do ông Lý Huệ Đường làm HLV trưởng thi đấu tại Malaysia gặp các đội Chelsea (2-1); Tottenham (1-1 và 2-1).
Trưởng thành từ phong trào bóng đá học đường, rời ghế nhà trường, ông chuyển sang thi đấu cho đội Ngôi Sao Bà Chiểu (thuộc hạng Nhì). Lúc này, ông vừa đá banh vừa đi làm tại một ngân hàng tư nhân. Năm 1953, đến tuổi đi quân dịch, ông khoác áo đội Tổng tham mưu (TTM), và cũng trong năm này, ông được tuyển vào đội tuyển miền Nam. Vài năm sau, khi thủ môn huyền thoại Lâm Kinh giã từ bóng đá, ông trở thành thủ môn số một của đội tuyển. Năm 1959, ông cùng với đội tuyển đoạt HCV SEAP Games, chiếc HCV đầu tiên và là duy nhất từ trước đến nay của VN. Trong khoảng thời gian này, tài năng của “lưỡng thủ vạn năng” không chỉ bay cao trong làng cầu nước nhà mà còn lan toả khắp châu Á. Khoảng đầu năm 60, ông chuyển sang đội Quan Thuế (QT) vừa làm HLV vừa làm cầu thủ. Dưới bàn tay của ông, đội QT đã đứng vào hàng ngũ những đội mạnh của hạng danh dự của miền Nam (mạnh nhất lúc ấy). Những trận đấu của đội QT dù diễn ra ở đâu cũng có đông đảo khán giả đến sân theo dõi bởi có “lưỡng thủ vạn năng” trấn giữ khung thành. Ngoài ra, ông cũng đào tạo ra nhiều thủ môn xuất sắc cho làng cầu miền Nam, trong đó nổi bật là Lâm Hồng Châu, Dương Sắc Thái, những thủ môn xuất sắc sau này. Gần đây, dù đã ở tuổi 65, nhưng ông vẫn còn đội nắng ra sân cỏ để truyền đạt những kinh nghiệm cho lớp con cháu. Hai năm trước đây, ông còn tham gia vào BHL của trường dạy bóng đá xã Đa Phước, Bình Chánh, TPHCM và cùng với bạn đồng đội ngày xưa - thủ môn Đực 2, trong thành phần BHL của đội Đá Mỹ nghệ TPHCM tham dự Giải bóng đá hạng Nhì QG.
Kể chuyện về những kỷ niệm xưa, ông “bật mí” bí quyết để trở thành tài năng không gì khác là phải luyện tập chuyên cần, đổ mồ hôi, hết mình vì niềm đam mê bóng đá.
Tâm sự về bóng đá ngày nay, “lưỡng thủ vạn năng” thẳng thắn: “Ngày nay, bóng đá được quan tâm, đầu tư nhiều hơn hẳn so với thế hệ của chúng tôi như đi tập huấn ở nước ngoài, mời HLV nước ngoài; treo giải thưởng rất lớn trước mỗi giải thi đấu; mỗi khi di chuyển đến đâu cũng được đưa đón rất long trọng... Dù đã có nhiều tiến bộ nhưng dường như vẫn còn có thể làm được nhiều hơn thế, còn có thể thi đấu hay hơn thế rất nhiều! Còn chúng tôi ngày xưa là tự tập lấy chứ đâu có thầy nào dạy, lương bổng cũng rất eo hẹp, tiền đâu có. Không chỉ riêng các đội bóng miền Nam mà ngay cả các đội bóng miền Bắc cũng vậy, cầu thủ ngày xưa nghèo lắm, cực lắm nhưng lại lập nhiều chiến thắng vang dội trên đấu trường quốc tế. Không phủ nhận bóng đá mỗi thời kỳ một khác, nhưng theo tôi trình độ kỹ thuật bây giờ chưa sánh bằng ngày trước. Các bạn trẻ cần phải suy nghĩ vì sao như thế?”
Tâm sự của một danh thủ bóng đá lừng danh có thể còn phải tranh luận, nhưng những gì ông đề cập đều xuất phát từ tình yêu bóng đá tha thiết, mong muốn bóng đá Việt Nam tiến bộ nhanh hơn nữa, xứng danh với truyền thống cha anh…
T&P (Theo tư liệu BTBĐ)

Thứ Sáu, tháng 11 13, 2009

Thứ sáu ngày 13

Những cầu thủ mang áo số 13

- Ở CSG hình như chỉ có một mình thủ môn Nguyễn Anh Dũng. Tay này không có số ở Cảng dù chơi rát hay ở cúp quốc gia 2000. Hiện nay, Dũng đã nhận lời Vũ Quang Bảo về làm HLV thủ môn cho Navibank.

- Khánh Hòa có tiểu tướng Nguyễn Quang Hải. Hải nổi tiếng từ giải U21 báo Thanh Niên năm 2007.

- Ở Gạch Đồng Tâm-Long An không ai chịu mang số áo này. Vì vậy, chiếc áo số 13 năm vô địch 2005 mới lọt được vào tay DeJinh. Hên quá!
- Đội U23 Việt Nam có Mai Tiến Thành cũng chịu chơi số áo này. Tiến Thành sinh ngày 16/3/1986. Năm 2002, Thành "rìu" cao 1m73 và nặng 60 kg đã vượt qua nhiều tài năng của cả nước để giành vé đi "quảng cáo" tại Leed United trong 9 tháng ( nhưng một tháng sau đã về lại Việt Nam, và Leed tiếp tục được quảng cáo).

- Số 13 của tuyển Thái Lan, Kiatisuk Senamuang, sau khi treo giày đã được Hoàng Anh Gia Lai, CLB cuối cùng trong sự nghiệp, treo vĩnh viễn chiếc áo số 13, để ghi nhớ những cống hiến to lớn của anh.
- Một số 13 khác là thần tài của bóng đá Việt Nam: người hùng Keolakhon, hiện là sĩ quan quân đội Lào. Tại SEA Games 19 ở Indonesia, chính Keolakhon có bàn thắng để đời ở phút 89 vào lưới Malaysia, bằng một cú sút xa bất ngờ. Đó là chiến thắng đầu tiên của Lào trước Malaysia nhưng quan trọng hơn, kết quả đó giúp tuyển Việt Nam vượt qua khe cửa hẹp để vào bán kết, và sau đó giành HC đồng.

Trên thế giới, số 13 thuộc dạng độc quyền. Vì số này mà W.Gallas đã bỏ Chelsea để sang Arsenal để mang áo số ...10. Có thể kể thêm:
- Michael Ballack (tuyển Đức, Leverkusen, Bayern, Chelsea)
- Alessandro Nesta (tuyển Ý, Lazio, Milan)
- Douglas Maicon (tuyển Brazil, Inter)
- Park Ji Sung ( Man United)
- A. Hleb
- Kristine Lilly là nữ cầu thủ nổi tiếng nhất từng đeo áo áo số 13. Huyền thoại của tuyển Mỹ này cũng dùng số 13 ở CLB Boston Breakers.
- Sau hai lần gãy chân khi mặc số áo 13, thủ môn Nick Hammond (hiện là giám đốc bóng đá của Reading) đã chuyển sang áo số 23 từ mùa 93/94.
Xem thêm: